VIỆT NAM – ĐỨC KÝ CÁC VĂN KIỆN HỢP TÁC, ĐẠT THỎA THUẬN TRONG VẤN ĐỀ LAO ĐỘNG VÀ ĐÀO TẠO NGHỀ
Thủ tướng Phạm Minh Chính thông báo Việt Nam và Đức ký ba văn kiện trong các lĩnh vực, sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Phát biểu trong cuộc họp báo sau hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz chiều nay tại trụ sở chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá quan hệ giữa Việt Nam và Đức tiếp tục phát triển tích cực những năm qua và Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức ở Đông Nam Á.
Trước và trong chuyến thăm của Thủ tướng Scholz, các cơ quan hai nước đã hoàn tất thủ tục và ký ba văn kiện hợp tác về quốc phòng, chuyển đổi năng lượng và lao động, đào tạo nghề, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói. Ông cho rằng đây là minh chứng cho thấy quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Đức ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả.
Ông cho biết hai nước đã nhất trí các biện pháp lớn để tăng hợp tác và mở rộng sang những lĩnh vực mới, đóng góp cho phục hồi, phát triển kinh tế bền vững. Việt Nam và Đức cũng sẽ phối hợp chặt chẽ trong ứng phó những thách thức toàn cầu, đóng góp cho hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Hai bên nhất trí tận dụng đầy đủ hiệp định thương mại đầu tư Việt Nam – EU (EVFTA). Việt Nam đề nghị Đức sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU để tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ kinh tế.
Thủ tướng đề nghị Đức khuyến khích các doanh nghiệp nước này đầu tư vào Việt Nam trong những lĩnh vực mà Đức có thế mạnh và Việt Nam có tiềm năng như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo, hạ tầng chiến lược, công nghiệp sản xuất.
“Chúng tôi cũng mong muốn Đức thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, tính đến những nỗ lực của Việt Nam thời gian qua trong thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các khuyến nghị của EC về tiêu chuẩn IUU nhằm hướng đến phát triển bền vững nghề cá”, ông nói thêm.
Việt Nam và Đức sẽ cùng chung tay ứng phó với các vấn đề toàn cầu về ứng phó biến đổi khí hậu, tăng hợp tác về năng lượng tái tạo, hỗ trợ các vùng dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu như đồng bằng sông Cửu Long. Hai nước nhất trí hợp tác trong giải quyết đứt gãy nguồn cung, ứng phó với an ninh lương thực toàn cầu.
Thủ tướng mong muốn Đức tiếp tục duy trì ODA và vốn vay ưu đãi, hỗ trợ Việt Nam trong phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đào tạo nghề, năng lượng tái tạo và y tế.
Hai nước nhất trí ủng hộ lẫn nhau trong các tổ chức khu vực và quốc tế như ASEAN, EU, Liên Hợp Quốc… tái khẳng định tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Thủ tướng Scholz đề cao tầm quan trọng trong quan hệ hai nước, đề cập những dự án quan trọng mà hai bên cùng muốn thực hiện, như dự án trường đại học Việt – Đức ở Việt Nam, tuyến metro mới tại Hà Nội.
Thủ tướng Đức cho rằng trong tình hình quốc tế hiện nay, hai nước phải mở rộng thị trường tiêu thụ, chuỗi cung ứng và các nguồn cung cấp nguyên liệu, địa bàn sản xuất. Ông nhấn mạnh Việt Nam là đối tác rất quan trọng của Đức và các doanh nghiệp Đức.
Bày tỏ vui mừng khi hai nước đã đạt thỏa thuận trong vấn đề lao động và đào tạo nghề, ông cho hay đây là một trong những điều kiện quan trọng để doanh nghiệp Đức đầu tư vào Việt Nam, bên cạnh môi trường đầu tư an toàn.
“Việt Nam và Đức đều có lợi khi trao đổi thẳng thắn và cởi mở, cũng như quan hệ đối tác song phương tốt đẹp và dựa trên trật tự quốc tế ổn định. Chúng tôi đã trao đổi về những dự án rất cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác song phương”, ông Scholz nói.
Thủ tướng Scholz đến Hà Nội hôm nay, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam ngày 13-14/11 theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì lễ đón Thủ tướng Scholz tại Phủ Chủ tịch. Hai lãnh đạo tiến hành hội đàm tại trụ sở chính phủ sau lễ đón.
TTXVN dẫn bài viết đăng trên website của Viện Konrad Adenauer Stiftung (KAS) cho biết trọng tâm của chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Olaf Scholz tại Việt Nam là nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược được hai nước ký từ năm 2011.
Viện KAS cho hay các ý định thư làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược trong các lĩnh vực chính sách như khí hậu, chuyển đổi năng lượng, an ninh, quốc phòng, đã sẵn sàng để ký kết trong chuyến thăm.
Việt Nam và Đức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/9/1975. Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Đức ở Đông Nam Á và lớn thứ sáu ở châu Á. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương 7 tháng đầu năm đạt gần 7,3 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Đức là nhà đầu tư lớn thứ 18 trên 141 nước, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn FDI đăng ký đạt 2,34 tỷ USD tính đến tháng 10. Đức đã cung cấp ODA hơn 2 tỷ USD cho Việt Nam. Trong giai đoạn Covid-19 diễn biến phức tạp, Đức viện trợ cho Việt Nam hơn 10 triệu liều vaccine. Hiện có hơn 7.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Đức.
Trong chuyến thăm Đức của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hồi tháng 9, các lãnh đạo Đức nhấn mạnh Việt Nam là đối tác quan trọng ở khu vực Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương.
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng Việt Nam và Đức còn nhiều tiềm năng hợp tác về đầu tư, thương mại cũng như trong các lĩnh vực Đức có thế mạnh như khoa học – công nghệ, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đào tạo nghề và lao động, hợp tác giữa các địa phương.
Nguồn VNExpress